\r\n Nhằm chọn lọc đàn dê địa phương để tạo ra đàn dê cái có khả năng sinh sản cao thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, Sở KH&CN Bắc Kạn đã phối hợp với Khoa Chăn nuôi triển khai đề tài “Nghiên cứu cải tạo giống dê tại tỉnh Bắc Kạn” do PGS. TS. Nguyễn Bá Mùi – Bộ môn Sinh lý tập tính động vật làm chủ nhiệm, cùng cộng sự thực hiện trong 3 năm (2011 -2013). Địa điểm thực hiện tại xã Hoà Mục, huyện Chợ Mới và xã Nông Thượng thị xã Bắc Kạn.

\r\n

\r\n Dê là loài vật đã được người dân Bắc Kạn nuôi theo phương pháp chăn thả từ lâu đời trên địa bàn. Giống dê bản địa (còn gọi là dê cỏ) trọng lượng thấp, nhưng thịt ngon, rất được ưa chuộng trên thị trường trong vài năm trở lại đây. Điều kiện tự nhiên ở các địa bàn đều rất thích hợp cho chăn nuôi dê khi mà nhiều sườn đồi, núi, trâu bò không leo được thì dê lại có thể leo lên để ăn cỏ. Thuận lợi là vậy nhưng số lượng đàn dê của tỉnh lại giảm dần qua các năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt dê lại tăng dần theo các năm và giá bán dê thịt cũng khá cao đem lại lợi nhuận ổn định cho người nuôi.

\r\n

\r\n Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, tổng đàn dê giảm là do tập quán chăn nuôi của người dân không phù hợp với thời điểm hiện nay; chất lượng đàn dê bản địa suy giảm do tỷ lệ cận huyết cao. Muốn phát triển chăn nuôi dê thì cần cải tạo nguồn giống để cung ứng đủ giống có chất lượng về thịt và trọng lượng. Do đó, đề tài đã thực hiện chọn lọc con giống tốt trong dê bản địa để lai tạo, giảm cận huyết đồng thời nhập về một số giống dê lai có nguồn gốc nước ngoài để thử nghiệm.

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Sau 3 năm thực hiện, đề tài đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đã tiến hành điều tra hiện trạng cơ cấu đàn dê của tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Chợ Mới và thị xã Bắc Kạn nói riêng; Chọn lọc đàn dê cái, mua dê đực giống thuần; Nhập 12 dê đực lai trong đó có 6 dê đực lai ¾ máu Boer (Boer x BT) và 6 dê đực lai F1 (Boer x BT); Xây dựng được 8 mô hình nuôi dê địa phương thuần và 10 mô hình dê lai trong đó 05 mô hình dê lai ½ máu Boer, 05 mô hình nuôi dê lai ¾ máu Boer. Các mô hình triển khai đạt 100% kế hoạch. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên đàn dê trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt. Cũng qua kết quả theo dõi cho thấy, trong cùng điều kiện chăn nuôi như nhau thì tầm vóc, khối lượng của đàn dê con lai tăng cao hơn so với dê địa phương từ 52 đến 71%, sức tăng trọng lượng của dê lai tốt hơn dê bản địa. Trọng lượng dê sinh ra từ mô hình lớn hơn hẳn dê địa phương. Giống dê đực F1 lai giữa dê Boer và dê Bách thảo thích nghi với điều kiện khí hậu Bắc Kạn và có khả năng phối giống tốt.

\r\n

\r\n Kết quả của đề tài đã mở ra hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và các loại thức ăn sẵn có trong tự nhiên để chăn nuôi dê, góp phần tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã đánh giá và nghiệm thu đề tài này với kết quả xuất sắc.

\r\n